I. Định nghĩa:
Rối loạn hành vi là toàn bộ những hành vi xâm phạm đến những quyền lợi cơ bản của người khác (tài sản, thân thể) hay chống lại những quy định của xã hội, cộng đồng và pháp luật, các hành vi này lặp lại và kéo dài ít nhất là 6 tháng.
II. Tiêu chuẩn chẩn đoán:
- Hành vi rối loạn phải là một hành vi vượt quá ranh giới bình thường so với lứa tuổi. Thí dụ cơn giận dữ của trẻ 3 tuổi, và hành vi gây gổ của bé 7 tuổi không xem là rối loạn hành vi.
- Hành vi rối loạn phải là những hành vi lặp lại và kéo dài ít nhất 06 tháng.
- Hành vi rối loạn không phải là triệu chứng của một bệnh hay một rối loạn tâm thần khác (tâm thần phân liệt, rối loạn hưng cảm, trầm cảm, rối loạn tăng động, nhân cách bệnh …)
- Chú ý: các triệu chứng trong nhóm 11,13,15, 16, 20, 21, 23 chỉ cần xuất hiện một lần là đủ tiêu chuẩn, cụ thể như sau:
(1). Thường có các cơn cáu giận trầm trọng so với mức độ phát triển của nó
(2). Thường hay cãi người lớn
(3). Thường chủ động từ chối các yêu cầu của người lớn hoặc không tuân theo các luật lệ.
(4). Thường cố tình một cách rõ rệt làm những việc gây khó chịu cho người khác
(5). Thường đổ lỗi cho người khác về các lỗi mà chúng gây ra hoặc những hành vi sai trái của chúng
(6). Thường dễ “chạm tự ái” hoặc dễ bị làm khó chịu bởi người khác
(7). Thường hay cáu giận hoặc phân uất
(8). Thường có thái độ ác ý hoặc hận thù
III. Cận lâm sàng
- Xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu thường quy
- Điện não đồ, lưu huyết não, …
- Trắc nghiệm tâm lý: WICS, WAIS, Vanderbitl, RAVEN, ...
- Các xét nghiệm chuyên khoa khác.
IV. Điều trị
1. Nguyên tắc điều trị:
- Các liệu pháp giáo dục.
- Các liệu pháp tâm lý.
- Liệu pháp hóa dược (chỉ áp dụng cho những trường hợp có rối loạn tâm thần khác kết hợp như lo âu, trầm cảm, động kinh, RL tăng động giảm chú ý …)
2. Điều trị cụ thể:
+ Điều đầu tiên là đánh giá đúng trẻ, gia đình, môi trường xã hội, đặc biệt là nhà trường. Cần chỉ ra được yếu tố làm suy yếu quá trình xã hội hóa để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Ở những giai đoạn sớm của sự phát triển hành vi chống đối xã hội, việc chú ý theo dõi có thể phòng ngừa những rối loạn hành vi sau này.
+ Yếu tố thể chất:
Giải thích cho bố mẹ, giáo viên về sự hình thành khí chất và trí thông minh của trẻ có thể giúp họ tạo ra một môi trường thích hợp cho sự phát triển của trẻ.
+ Bệnh cơ thể:
Cần điều trị tốt những bệnh, khuyết tật làm trẻ khó khăn trong học các kỹ năng sống và những khó khăn học tập khác
+ Yếu tố khí chất:
Tư vấn cho bố mẹ để xác định kiểu khí chất của trẻ có thể đưa ra một chương trình giải quyết phù hợp.
+ Yếu tố môi trường:
Nhiều trường hợp cần thay đổi môi trường gia đình cần làm cho bố mẹ hiểu rõ những vấn đề sau. Cần đề ra các nguyên tắc trong sinh hoạt gia đình, hiểu suy nghĩ và hoạt động của trẻ, giải quyết những căng thẳng xung đột trong gia đình.
+ Tư vấn cho bố mẹ:
Có thể làm riêng với từng cặp bố mẹ (Hoặc với bố hoặc với mẹ), nhóm các bố mẹ. Sử dụng các phương pháp và kỹ thuật của liệu pháp hành vi.
+ Điều trị rối loạn hành vi nặng:
- Liệu pháp gia đình: Trẻ có rối loạn hành vi nặng thường có những vấn đề lớn về hệ thống gia đình. Sự thay đổi trong gia đình là cần thiết trước khi giải quyết các rối loạn hành vi. Thường thì khó có thể yêu cầu bố mẹ áp dụng các nguyên tắc gia đình hoặc tạo nên những thay đổi vì các gia đình này đã quá rối loạn.
- Liệu pháp hành vi: Có ý nghĩa quan trọng trong RLHV nặng .Sự tham gia tích cực của bố mẹ và những người có liên quan là rất cần thiết.
- Môi trường trường học: Chúng ta không thể làm thay đổi các cấu trúc xã hội của trường học nhưng sự tiếp xúc với giáo viên của nhà trường là rất cần thiết làm cho cán bộ nhà trường hiểu rõ hơn về nhu cầu của trẻ và gia đình . Cần có sự hợp tác tốt giữa gia đình và nhà trường, một vài trường hợp có thể nên chuyển trường hoặc giáo viên.
- Liệu pháp tâm lý cá nhân: Liệu pháp này được dùng nhiều trong thực hành tâm thần nhưng tỏ ra ít kết quả trong điều trị RLHV. Trẻ thường ít hoặc không có động cơ đi vào điều trị tâm lý. Hiếm khi trẻ phàn nàn về những vấn đề hiện tại và chúng có thể thỏa mãn về hành vi của mình . một số ít trẻ lo lắng và muốn sửa đổi cách sống của mình trong trường hợp này liệu pháp tâm lý cá nhân có thể có hiệu quả.
- Liệu pháp tâm lý nhóm: Giống như nhược điểm của liệu pháp tâm lý cá nhân. Tuy vậy nhóm này làm nâng cao khả năng tự đánh giá của trẻ hoặc cho trẻ cơ hội học các kỹ năng xã hội như kịch, nhảy, nghệ thuật.
- Điều trị tại trung tâm: Thường dùng cho trẻ RLHV nặng nhưng kết quả của chúng thường không như mong đợi . Kết quả tốt nhất ở các trung tâm có sử dụng các liệu pháp hành vi tích cực và có kế hoạch . Cần kết hợp với gia đình hướng dẫn cho bố mẹ nguyên tắc trị liệu hành vi và các thực hành áp dụng tại gia đình. Tạo cho gia đình một môi trường tốt kiểm tra hành vi chặt chẽ nhằm cải thiện hành vi cho trẻ.
- Điều trị ban ngày: Giúp cho trẻ có điều kiện thường xuyên được tiếp xúc với các thành viên khác của gia đình
- Sự thay đổi môi trường khác: Ảnh hưởng của môi trường lân cận khó có thể thay đổi hơn so với nhà trường. Ảnh hưởng môi trường gia đình luôn là một vấn đề chính .Bởi vậy điều quan trọng hơn cả là cần phải xem xét lại cấu trúc gia đình và thay đổi nhận thức của các thành viên.
- Hóa dược: Giảm hành vi gây hấn, xung động, kích động
Haloperidol 1,5 - 3mg/ngày
Risperidon 1 - 4 mg/ngày
Olanzapine 5 - 10 mg/ngày
Quetiapin 100 - 200 mg/ngày
Ziprasidon, Aripiprazol
Clonidin 0,05 - 0,1 mg/ngày
SSRIs (Fluoxetin, Sertralin, Paroxetin, Citalopram)
Điều trị các rối loạn tâm thần kết hợp: lo âu, trầm cảm, …
V. Quản lý rối loạn hành vi:
- Phát hiện sớm các rối loạn hành vi, gửi đến các trung tâm tư vấn tâm lý, bệnh viện chuyên khoa tâm thần.
- Quản lý các rối loạn hành vi phải được kết hợp chặt chẽ giữa gia đình nhà trường, cộng đồng và các nhà trị liệu.
VI. Phục hồi rối loạn hành vi:
- Rối loạn hành vi có thể được xem như là sự thiếu xã hội hóa, trẻ mất dần sự học tập hoặc không được dạy một cách có hiệu quả các chuẩn mực xã hội. Do vậy các em cần được theo học các lớp đào tạo về kỹ năng sống để phục hồi các chức năng tâm lý xã hội .